So với gạch đỏ, gạch không nung có những ưu và nhược điểm gì?

Gạch không nung được xác định sẽ là vật liệu thay thế các loại gạch xây dựng truyền thống trong tương lai, tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ vật liệu này vẫn còn hạn chế. Vậy, so với gạch truyền thống (gạch đỏ) gạch không nung cố những ưu và nhược điểm gì?

So với gạch đỏ, gạch không nung có những ưu và nhược điểm gì?

 Gạch không nung được xác định sẽ là vật liệu thay thế các loại gạch xây dựng truyền thống trong tương lai, tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ vật liệu này vẫn còn hạn chế. Vậy, so với gạch truyền thống (gạch đỏ) gạch không nung cố những ưu và nhược điểm gì? 

 

Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, gạch không nung hiện nay gồm có 3 loại chính, gồm: gạch bê tông (hay còn gọi là xi măng cốt liệu), chiếm khoảng 75% tổng lượng gạch không nung; gạch bê tông khí chưng áp, chiếm 15%; gạch bê tông bọt (gạch nhẹ), chiếm 5%; gạch khác (đá ong, đất hóa đá,…) chiếm 5%. Ngoài ra còn có vật liệu nhẹ; gạch bê tông và tấm tường thạch cao…

Gạch đỏ phải dùng các vật liệu, khoáng sản không tái tạo (đất sét); sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nung bằng các loại lò thủ công hoặc lò tuynel và đều thải ra môi trường khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Quá trình sản xuất, người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, cực nhọc. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu cho gạch đỏ ngày đang dần bị cạn kiệt do lượng phù sa bồi đắp ở các bãi ven sông không còn, dẫn đến thiếu hụt về nguồn nguyên liệu sản xuất.

Gạch không nung được sản xuất theo một dây chuyền cơ giới hóa cao hơn, người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Gạch nhẹ có tính cách âm, cách nhiệt, trọng lượng gạch nhẹ nên tỷ trọng công trình giảm đáng kể, kết cấu móng, chịu lực, khung dầm giảm, từ đó giảm giá thành các công trình.

Gạch không nung ngoài sử dụng chất kết dính là xi măng (tỷ lệ chiếm từ 8 – 10%), thành phần còn lại là đá mạt, sỉ, … tức là các chất thải từ công nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, theo báo giá từ các nhà máy gạch bê tông cung cấp, giá thành gạch không nung thấp hơn từ 5 – 10% so với gạch đỏ.


Nếu xét về hạn chế của gạch không nung là độ hút nước cao, nếu không xử lý ép tốt trong quá trình sản xuất sẽ gây ra các hiện tượng ẩm mốc, rạn nứt công trình. Tuy nhiên, đấy là đối với công nghệ lạc hậu trước đây hoặc với máy có công suất nhỏ, sản xuất thủ công. Còn hiện nay, với công nghệ tiên tiến, hiện đại bằng công nghệ rung, ép, máy có công suất lớn… độ hút ẩm của gạch không nung có thể thấp hơn hoặc tương đương với gạch đỏ (độ hút ẩm từ 8-12%).

Hiện nay, ở Việt Nam, tổng cộng có 13 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất 1,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn; các nhà máy tại miền Nam thường đạt 90 – 100% công suất, trong khi đó, hầu hết các nhà máy tại miền Bắc chỉ đạt 20 – 60% công suất so với thiết kế. Việc xây cất các công trình nhà cửa ở miền Bắc vẫn chủ yếu bằng gạch đỏ, ít dùng gạch nhẹ.

Gạch không nung loại nhẹ phù hợp với các công trình xây dựng quy mô lớn, hoặc xây dựng các nhà cao tầng. Các công trình xây dựng dân dụng, nhỏ lẻ lâu nay vẫn sử dụng vật liệu gạch truyền thống, nay có thể dùng gạch không nung loại gạch bê tông. Thực tế, trong xây dựng các công trình dân sinh mang tính chất đơn lẻ hiện nay, đặc biệt là các công trình ở vùng sâu, vùng xa vận chuyển vật liệu khó khăn, người dân vẫn kết hợp sử dụng cả gạch không nung loại gạch bê tông và gạch đỏ.

Do vậy, để gạch không nung sử dụng rộng rãi trong xây dựng công nghiệp và dân dụng cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng loại vật liệu mới này.

TH (Nhà báo và Công luận)

sản phẩm khuyến mãi

Fanpage facebook